SEO (Search Engine Optimization) được hiểu là công việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm. Người làm SEO (SEOer) không đơn thuần quản trị trang web mà họ biết thao tác các kỹ thuật phần mềm để các thông tin của một website gần gũi hơn với công cụ tìm kiếm, giúp trang điện tử của doanh nghiệp có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng với các từ khóa mà người dùng tìm kiếm trên internet.
Nhân viên làm SEO sẽ tìm kiếm các từ khóa liên quan tới các sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp đang cung cấp. Sau khi tiến hành tối ưu các nội dung trên web, SEOer sẽ quảng bá trang trên các diễn đàn, blog, mạng xã hội như Facebook, Twitter... nhằm nâng cao thứ hạng sắp xếp web ở vị trí dễ thu hút người đọc nhất.
Chia sẻ với VnExpress, ông Lê Nam, Giám đốc Công ty VietMoz cho biết, phát triển mạnh tại Việt Nam từ năm 2010, tới nay, nhu cầu tuyển dụng người làm SEO của các doanh nghiệp bắt đầu gia tăng. Ước tính tại Việt Nam hiện có khoảng 1.000 người làm nghề. Theo ông Nam, nếu có kỹ năng tốt, ngoài công việc tại một công ty, SEOer có thể xây dựng các trang web cá nhân tự kinh doanh, kiếm tiền trên mạng. Do vậy hiện không ít người quan tâm và muốn thử sức với nghề SEO. “SEO tốt cũng giống như doanh nghiệp đang đặt trụ sở ở mặt phố chính vậy”, ông Nam ví von.
Ông Nguyễn Trọng Thơ, Tổng giám đốc iNET cho biết, xu hướng kinh doanh trên mạng đang thịnh hành tại Việt Nam. Khách hàng mua online bao giờ cũng có tâm lý muốn tham khảo ý kiến, tại các địa chỉ khác nhau để so sánh giá cả, chất lượng, nguồn gốc…kể cả khi họ biết rất rõ về sản phẩm. Thông thường, khách hàng chỉ quan tâm đến 10 địa chỉ đầu tiên trên công cụ tìm kiếm như google, yahoo, bing. Đây cũng là những vị trí mà các doanh nghiệp cần duy trì lâu dài để thu hút người mua.
Thực tế, để website ổn định trên top 10, hầu hết các doanh nghiệp thường chi một khoản phí không hề nhỏ cho các đơn vị cung cấp công cụ tìm kiếm. Tuy nhiên, theo ông Thơ, mất tiền để có thứ hạng cao nhiều khi không đem lại kết quả kinh doanh như kỳ vọng. Do vậy, nhiều doanh nghiệp tự tìm cách tối ưu hóa thông qua SEOer. “Thương mại điện tử càng phát triển thì nhu cầu làm SEO càng tăng”, CEO iNet cho hay.
Lương trả cho một SEOer mới vào nghề hiện dao động 4-6 triệu đồng một tháng, còn từ 15-20 triệu đồng một tháng cho người có kinh nghiệm lâu năm. So với nhiều nghề khác thì đây vẫn là một mức thu nhập khá.
Ông Ngô Anh, chuyên gia đào tạo SEO tại một trung tâm cho biết, tư vấn, giảng dạy đang là hướng đi chủ yếu của nhiều SEOer có thâm niên. Đặc biệt, với một số lĩnh vực có đặc thù như vé máy bay, du lịch, nhân viên làm SEO có thu nhập cao hơn mức thông thường.
Vị này cho hay, SEO không còn là nghề hot như một vài năm về trước, số lượng SEOer gia tăng khiến cho cạnh tranh trong nghề cũng khốc liệt hơn. Đây cũng là một trong những lý do mà thu nhập của ông thời gian gần đây cũng không hoàn toàn từ nghề SEO. “Tôi làm SEO như một sở thích chứ không phải là kênh kiếm tiền chính như trước đây”, ông cho hay.
Đánh giá về triển vọng của nghề SEO khi thương mại điện tử phát triển mạnh trong thời gian tới, ông cho rằng cả hai lĩnh vực được kỳ vọng từ năm 2010, nhưng đến nay vẫn đi những bước ban đầu. Theo ông, thương mại điện tử muốn phát triển tại Việt Nam cần đồng bộ nhiều yếu tố như thanh toán điện tử, hành lang pháp lý, bảo vệ thương hiệu, hàng hóa… mới có thể thay thế kênh thương mại offline như hiện nay.
CEO iNET nhận định, thương mại điện tử là xu hướng tất yếu có thể thay thế kênh mua sắm truyền thống hiện nay. Hiện nhiều doanh nghiệp đã dần dịch chuyển từ bán hàng truyền thống sang bán online. Do đó, theo ông này nhu cầu nhân lực nghề SEO cũng tăng nhanh trong thời gian tới.
Ông Nam cho rằng, tại Việt Nam từ năm 2013 đến nay, doanh nghiệp đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của SEO và đầu tư nhiều hơn vào kinh doanh trực tuyến. Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, SEO không hẳn là “chiếc khóa” để mở cánh cửa giúp người tiêu dùng gần hơn với doanh nghiệp nếu như không cung cấp các sản phẩm đúng chất lượng, mẫu mã như quảng bá trên trang cho dù doanh nghiệp có đội ngũ SEOer tài giỏi. “Theo tôi, bất kể ngành nghề gì, chất lượng của sản phẩm vẫn là yếu tố tiên quyết”, ông nói.